An Cư Kiết Hạ
Đức Phật An cư Kiết hạ
(PGVN)
Tinh chuyên thiền định trong ba tháng mùa mưa vốn rất quan trọng trong tiến trình tu tập của người xuất gia. Sau những tháng ngày vân du giáo hóa, dừng chân một chỗ cùng tu tập với hội chúng Tăng già để trưởng dưỡng đạo tâm, nuôi lớn hạt giống thanh tịnh lục hòa là việc cần làm
Một thời, Thế Tôn trú ở Icchànan-gala, tại khóm rừng ở Icchànan-gala. Tại đấy, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: -Ta muốn sống độc cư Thiền tịnh trong ba tháng, không tiếp một ai, trừ một người đem đồ ăn lại.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Như vậy, không một ai đến viếng Thế Tôn, trừ một người đem đồ ăn lại.
Rồi Thế Tôn, sau khi ba tháng ấy đã mãn, từ chỗ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, nếu các du sĩ ngoại đạo đến hỏi các ông: “Với sự an trú nào, này chư Hiền, Sa-môn Gotama an trú nhiều trong mùa mưa?”.
Ðược hỏi vậy, này các Tỷ-kheo, các ông hãy trả lời cho cho các du sĩ ngoại đạo ấy như sau: “Với định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, này chư Hiền, Thế Tôn an trú nhiều trong các mùa mưa”.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, chánh niệm Ta thở vô, chánh niệm Ta thở ra. Hay thở vô dài, Ta rõ biết: “Ta thở vô dài”. Hay thở ra dài, Ta rõ biết: “Ta thở ra dài”. Hay thở vô ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở vô ngắn”. Hay thở ra ngắn, Ta rõ biết: “Ta thở ra ngắn”… “Quán từ bỏ, Ta thở vô”, Ta rõ biết như vậy. “Quán từ bỏ, Ta thở ra”, Ta rõ biết như vậy.
Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.
Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các khổ ách; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, sẽ đưa đến đoạn tận các lậu hoặc. Và này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, tu hành thành mãn, những việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã thành đạt lý tưởng, đã tận trừ hữu kiết sử, chánh trí, giải thoát; những vị ấy tu tập, làm cho sung mãn định niệm hơi thở vô, hơi thở ra, ngay trong hiện tại, đưa đến lạc trú, chánh niệm tỉnh giác.
Này các Tỷ-kheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú; người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú.
(Tương Ưng Bộ V, chương 10, phẩm 2, phần Icchànangala)
Thích Quảng Tánh
Tuy nhiên, đến mùa mưa năm thứ 9 ở Ấn Độ (kể từ khi đức Phật thành lập Tăng đoàn) bị thiên tai lụt lội lớn nhất, khiến cho các Tỳ kheo trên đường truyền giáo bị mất y bát hoặc bịnh tật, thậm chí có vị phải hy sinh thân mạng.
Đối trước vấn đề này, đức Phật mới đặt ra pháp An cư trong mùa mưa. Nói cách khác, vị đạo sư tùy theo yêu cầu trong vấn đề tu hành mà đặt ra phương cách bảo quản Tăng đoàn và sức khỏe của đại chúng.
Thật vậy, đi truyền đạo mà gặp hoàn cảnh bất lợi như vậy, nên đức Phật phải khai phương tiện “cấm túc an cư” để giải quyết tốt nhất đời sống tu hành, biến những điều bất lợi thành tiện lợi cho sinh hoạt Tăng đoàn.
Trước kia các Tỳ kheo đi khất thực, mang hình ảnh giải thoát vào đời, mỗi vị đi một phương, không có điều kiện được gần Phật, nghe Ngài dạy. Nhưng nay cấm túc an cư, tập trung một chỗ để tu học, tạo được những điều thuận lợi là đức Phật có điều kiện thuyết pháp giáo hóa các Tỳ kheo, đồng thời các thầy có cơ hội trao đổi với nhau kinh nghiệm tu hành và Phật tử cũng nhân đó được cúng dường, gieo trồng phước điền ở Tam bảo.
Ngoài ra, nhờ tập trung an cư mới thực hiện được vấn đề thiểu dục tri túc. Vì chư Tăng ở chung một chỗ, việc tốn kém về ăn uống và các nhu cầu cần dùng được giảm bớt .
Với kết quả tốt đẹp của mùa An cư đầu tiên, từ đó trở đi cho đến ngày nay, chư Tăng thường tập trung tại các tụ điểm để an cư . An cư đã trở thành truyền thống của Phật giáo. Không an cư, không thể tiến bộ trong nếp sống tu hành, vì có tập họp mới có giảng sư đến dạy, có dịp trao đổi kinh nghiệm hành đạo và có điều kiện thúc liễm thân tâm.
Riêng Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhận chân được tầm quan trọng của pháp tu an cư kiết hạ cần thiết cho việc thăng hoa đạo hạnh, nên hằng năm đều sắp xếp, tổ chức an cư cho Tăng Ni ở khắp mọi miền đất nước và đưa ra khẩu hiệu cần thực hiện là : thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, siêng tu tam vô lậu học.
Thúc liễm thân tâm, chính yếu là thúc liễm thân tứ đại và vọng tâm. Trong mùa an cư, Tăng Ni cần điều chỉnh thân tứ đại sao cho mạnh khỏe, giữ gìn tứ oai nghi theo Phật dạy. Và nhất là phải cột tâm, đừng suy nghĩ những điều bất thiện, không để phiền não tâm sanh khởi.
Về việc trau giồi giới đức, mới tu thì lấy giới để ràng buộc vọng tâm và xây dựng tứ oai nghi cho thành tựu. Lâu dần, giới này biến thành đức và dùng đức hạnh ấy để cảm hóa người. Tu sĩ mà không có đức hạnh, không thể coi là đệ tử Phật.
Nhờ kết hợp việc thúc liễm thân tâm, trau giồi giới đức, nên tâm bình ổn gọi là định. Khi định, tức tập trung được tư tưởng, huệ sẽ phát sáng. Có thể nói phần chính yếu là tu định và huệ trong lúc cấm túc an cư.
Nhờ có an cư, chúng ta dứt bặt các duyên vụ để tập trung quán sát lại thân và hoàn cảnh mình sống, làm sao cho thích nghi với hoàn cảnh, tạo được một cuộc sống có ý nghĩa. Đó chính là thể hiện được huệ vô lậu trên bước đường tu.
Dùng trí tuệ thấy đúng như thật mà quán sát thời tiết bốn mùa, thấy rõ mỗi mùa nên làm gì, sống thế nào cho hài hòa với thời tiết, thiên nhiên, thì cơ thể không bịnh hoạn là bước ban đầu tu phải đạt cho được.
Kế đến biết đặt mình vào hoàn cảnh xã hội, vào tổ chức đoàn thể, thấy rõ vị trí, việc làm của mình, nên không có những đòi hỏi vô lý, không thắc mắc, buồn phiền. Làm đúng việc, thể hiện đúng khả năng của mình, đáp ứng đúng yêu cầu của người, hài hòa với đại chúng, dẫn đến thành quả tốt đẹp, tất nhiên tâm hồn được thanh thản.
Tóm lại, trong mùa an cư, về mặt tu thân, Tăng Ni cố gắng khắc phục được sự chi phối của thiên nhiên : đói, khát, nóng, lạnh và về mặt phát huy tâm, không để thập triền, thập sử sai khiến, trói buộc. Thành tựu như vậy, được xếp vào hàng Dự lưu, thâm nhập dòng Thánh, xứng đáng là đệ tử của Phật.
Mong rằng mùa an cư PL 2543, chư Tăng Ni được khỏe mạnh, tâm hồn trong sáng, thấy biết mọi việc của ta và người một cách đúng đắn, thể hiện được cuộc sống có ý nghĩa của người xuất gia. Đó là con đường dẫn đến Niết bàn, đạt được mục tiêu của đức Phật đã vạch ra cho chúng ta, không cô phụ công ơn giáo dưỡng của thầy, Tổ và của đàn na tín thí cung kính cúng dường.
ĐẠO TRÀNG PHÁP HOA-Chùa Huê Nghiêm
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)
Viết phản hồi