CHÙA THANH LONG CỔ TỰ
Nằm cách quốc lộ 51 (đường đi Vũng Tàu) khoảng 1,5 km về phía tay phải.
Chùa Thanh Long Cổ Tự, toạ lạc trên một ngọn đồi có thế đất tợ hình Long Ấn
. Ven chân sườn đồi rừng cây xanh vươn cao tươi tốt tự nhiên, quanh năm cho bóng mát rợp cả một vùng sinh thái chở che Thanh Long Cổ Tự.
Đông đến, đêm về, tựa đầu lên tay gối để nghe tiếng côn trùng rỉ rả thâu canh. Hè sang, lim rim bờ mắt thưởng thức giọng ve sầu tấu nhạc sớm tinh sương, mãi điểm đến trưa chiều.
Ngồi trên nền đất sân chùa cổ, nhìn về hướng chính tây hút xa tầm mắt, sẽ thấy cả một mảng chập chùng miền đất Cát Lái –Thủ Thiêm- Sài Gòn- Gia Định. Lặng sâu khoảng giữa đó, là dòng sông Đồng Nai khuất chìm dưới thảm sinh thái miệt bưng biền vùng trũng. Gần trước mắt cho ta nhìn, đó là những khu vườn liên canh cây ăn trái lưu niên sầu riêng, chôm chôm, bưởi, dâu, măng cụt … dạng vườn tạp chủng, đặt sản trái cây Long Thành xưa nay còn đó.
Gió dông ào ạt thét gào, gió nồm hăng hắc hanh khô … bốn mùa Thanh Long đón gío. Nhưng đặc biệt lúc xuân về, thu đến, với những cơn gío thoảng, êm mát dịu dàng xuyên qua khe lá, tí tách, rì rào, khe khẽ như chuyện trò cùng lữ khách dừng chân.
Nán lại đây, với vốc lá khô làm đệm, ngồi quanh nhau nghe kể chuyện ngày xưa :
Chuyện kể rằng, cách đây gần 100 năm có gia đình Cụ Phạm ( Phạm Văn Nhu )từ vùng Bình Dương giáp với Đồng Nai bây giờ, quảy gánh rựa rìu cuốc thuổng, từ miền ngược trẩy xéo miền xuôi về đây khai hoang vỡ hóa, mở rộng một vùng đất mới khá rộng, trãi dài từ thượng nguồn Rạch Dứa, giáp cả đoạn đường liên xã chạy vắt ngang, thuộc Ap Bầu Rô, Tổng Long Vĩnh Thượng ( ngày nay là Tam Phước, Long Thành, Biên Hòa, Đồng Nai – hiện còn bản sao trích lục địa bạ trước 1975 ).
Chắc vì ngẫm lẽ vô thường sanh tư, cùng với ý thức định hướng giá trị cuộc đời theo đường Phật Pháp. Cụ Phạm đã kiến lập xây dựng một ngôi chùa và xuất gia tu theo Phật kể từ đây ( chưa truy tầm được Tổ môn Tông phái nào khi Ngài thế độ, chỉ còn ngôi tháp cổ đổ nát không dấu tích mộ bia, nằm ngoài đất chùa hiện nay ) .
Kế thừa sự nghiệp tổ phụ là Cụ Phạm húy Văn Xường, hưng vượng thêm với thế mạnh mở mang canh tác đất đai nông nghiệp, đồng thời câu hội học bằng pháp lữ về đây tu học ( trong đó có cố Hòa Thượng Thích Minh Tri viện chủ chùa Long Tuyền thuộc xã An Phước, Long Thành ; cố Hoà Thượng Thích Minh Giác viện chủ chùa Hoà Khánh, gần ngã 5 Bình Hòa thuộc quận Bình Thạnh, SGGĐ.)hưng long một thời phát triển.
Rồi một cuộc bể dâu vô thường biến đổi. Chiến tranh thiêu ruị ngôi chùa, con người ly tán, Sư cụ Trụ trì cũng mất tích không còn ai biết chắc …
Biến dịch đổi thay là thế đó … nơi đây lại một thời hoang sơ cô tịch với hai ngọn đồi trầm mặc tựa bên nhau, ôm kín vào lòng tàn tích ngôi chùa cổ với những tảng đá ong trơ gan cùng tuế nguyệt. ( bài viết theo lời kể của qúy cụ lão thành Phật tử tại địa phương )
Suốt hơn 30 năm, đến sau 1975. Bà con dân làng đồng tâm cùng nhau dựng lại một ngôi am nhỏ bằng tranh tre lá trên nền đất chùa cũ với lòng tín ngưỡng Phật – Bồ Tát. Từ đó về sau “là một đêm dài lắm mộng, chuyện dài nhiều tập”… rồi mọi việc cũng qua đi, đến nay ngôi chùa được công nhận là cơ sở tôn giáo hợp pháp, chính thức bổ nhiệm Trụ trì.
Trên nền tảng đó chùa Thanh Long Cổ Tự hồi sinh, nay đã có Giảng đường cho đạo tràng Phật tử tu tập, Quan Âm Các để mọi người chiêm bái, Phòng khám chữa bệnh miễn phí trợ giúp dân nghèo.
Trụ trì cũng chính là: giảng sư của Đạo tràng, Trưởng phòng chẩn trị – từ thiện ; tuy kiêm nhiệm thêm việc chuyên môn đa đoan chấp sự, nhưng vẫn tham gia tích cực gắn bó với các Hội ngành .. có liên quan trong lãnh vực hoạt động tại cơ sở, do đó được nhiều thuận lợi với sự đồng thuận, ủng hộ giúp đỡ cho công tác chung thêm hiệu quả tốt đẹp.
Nhịp nhàng theo năm tháng… có lúc chỉ tĩnh mơ màng, lắm khi rộn ràng duyên sự. Thanh Long vẫn mang nét riêng của một thiền môn sơn tự, bởi vậy người với cảnh nơi đây có lúc cũng cùng hoà nhịp nên thơ thoát trần ly tục :
THANH LONG :
Tịch tĩnh THANH LONG giữa núi đồi
Chiều nay thong thả, dạo quanh chơi
Tâm hồn không nặng niềm tục lụy
Thân nhẹ thênh thang một góc trời.
( Ngày mồng 4 tháng tư Canh Dần)
… oOo…
Quang Tuệ :
Lặng lẽ rồng xanh một góc trời
Thăng trầm thế sự mặc đầy vơi
Ai người tri kỉ trong trần lụy
Lặng lẽ phù sinh, lặng lẽ đời
… oOo…
Tâm – Đài :
Thanh Long Cổ Tự đồi đồi núi
Hiên ngang sừng sững đứng giữa trời
Lao xao, rào rạc lá vàng rơi
Ngẫm nghĩ đời thường sao bằng được
Phố phường xe, ngựa chạy ngược xuôi
Bôn ba toan tính một kiếp người
Chiều chiều nhớ tiếng chuông chùa vọng
Lòng tưởng Thanh Long, dạ chẳng nguôi
… oOo…
Bài viêt : T.N.C.