Mùa Xuân bất diệt
Ánh sáng của tuệ giác vẫn rạng ngời đối với những ai còn kính tin Phập pháp, còn tu trì theo lời dạy của đức Thế Tôn. Vẫn biết ngày mai đây, ngọn đèn của chánh pháp sẽ bị vụt tắt bất cứ lúc nào trước cơn giông bão của thời mạt pháp theo sự biến đổi của lẽ vô thường…
Dẫu biết rằng Xuân đến, Xuân đi là lẽ thường của tạo hóa. Xuân đến thì đời tươi thắm như đóa hoa buổi sớm, Xuân đi chẳng khác gì rặng liễu đìu hiu trước gió. “Xuân đáo thiên hoa khai vũ hậu, Thu lai vạn vật trụy sương tiền”. Bởi ngẫm được sự thật khắc nghiệt của quy luật đất trời, Nguyễn Danh Nho đã phải thốt lên:
“Anh hùng sự khứ thu phong diệp,
Phú quý thời lai Xuân vũ hoa”
(Sự nghiệp anh hùng qua đi như lá rụng mùa Thu, giàu sang đến như hoa trong mưa Xuân).
Cũng có kẻ phải mang tâm trạng nuối tiếc, hoảng sợ khi đối diện với mùa Xuân:
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa:
Tôi không chờ nắng Hạ mới ngày Xuân.
Xuân đương tới nghĩa là Xuân đương qua,
Xuân còn non nghĩa là Xuân sẽ già,
Mà Xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.
Xuân Diệu
Nhưng cũng cùng một cảm nhận Xuân khứ, Xuân lai. Vị Quốc sư Vạn Hạnh đã phát biểu bài kệ đầy lạc quan và hy vọng:
“Thân như ánh chớp có rồi không,
Cây cối Xuân tươi Thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sưong Đông”
Một bài kệ ngắn toát lên tinh thần bất diệt của thiền sư. Ngài đã thấu hiểu rất sâu sắc quy luật tự nhiên: Xuân tươi, Thu não nùng. Nhưng không phải là đón nhận bằng tâm trạng chán chường như Nguyễn Danh Nho hay luyến tiếc muốn ôm giữ mãi như Xuân Diệu. Ngài đã mở tâm hồn mình nhìn vũ trụ vần xoay bằng con mắt của bậc thức giả.
Nếu nhà Nho, nhà thơ của thế gian chỉ cảm nhận mùa Xuân bằng góc độ một chiều phiến diện, thì nhà sư lại thấy chúng là thực thể sinh động, vận hành liên tục theo quy luật của tự thân. Vạn hữu không bao giờ đứng yên, luôn luôn vận động cùng dòng thời gian bất tận. Cái quy luật khứ lai của mùa Xuân vẫn tuần hoàn bất chấp đời người thay đổi. Do đó, nếu Xuân đi thì một ngày nào đó Xuân lại đến. Hôm nay thịnh, ngày mai suy cũng là lẽ thường tình của tạo hóa. Nhưng cái suy không phải là vĩnh viễn, nếu nỗ lực có phương pháp vẫn trở lại thịnh vượng.
Vị Quốc sư nhà Lý đã dạy cho chúng ta thái độ lạc quan chấp nhận sự thật của cuộc đời, từ đó ta mới có can đảm vượt qua nghiệt ngã trước mắt và lấy lại hy vọng. Bởi lẽ tất cả chỉ như là sương trên đầu ngọn cỏ.
Hình ảnh ngọn cỏ giọt sương gợi cho chúng ta tinh thần cởi mở, nhìn vấn đề dưới góc độ tích cực và không vướng mắc vào khổ đau. Khổ đau đến một thời điểm sẽ qua đi như là sương tan trong nắng sớm. Sách học Phật cũng có câu: “Thời gian sẽ trôi qua, hãy để thời gian xóa sạch phiền não của bạn”.
Cùng một mạch tư tưởng với Vạn Hạnh, thiền sư Mãn Giác cũng nhận định tinh tế và đầy triết lí nhân sinh qua hình ảnh của Xuân:
“Xuân đi trăm hoa rụng,
Xuân đến trăm hoa cười.
Việc đời qua trước mắt,
Già đến trên đầu rồi!
Chớ bảo Xuân tàn hoa rụng hết.
Ngoài sân đêm trước một cành mai”.
Đọc cả bài kệ, không ai có thể tìm ra câu nào thiền sư thốt lên lời lẽ bi quan chán nản. Cũng là Xuân khứ, Xuân lai. Cũng giống như Vạn Hạnh, ngài Mãn Giác nhìn mùa Xuân đa diện và đầy sức sống bất kể là Xuân đến hay Xuân tàn bởi trong tim của ngài luôn cháy bỏng niềm tin vào ngày mai tươi sáng. Nếu nói mùa Xuân là mùa của những gì tươi đẹp nhất, ví như thiếu nữ tràn đầy nhựa sống, thì tại sao người ta không thể làm cho mùa Xuân mãi mãi trường tồn cùng năm tháng?
Nếu nói đó là tuần hoàn của tự nhiên thì mùa Xuân chẳng qua là một khoảng thời gian, có gì là tươi đẹp đâu. Nếu như chúng ta nhìn mùa Xuân bằng con mắt của ngài Mãn Giác thì ta có thể thấy Xuân luôn hiện hữu với mình không bao giờ mất. Cái gọi là mùa khởi đầu trong năm có phải là được biểu hiện qua những hình ảnh muôn hoa khoe sắc, cánh đồng cỏ xanh mơn mởn hay đơn giản là một đôi bươm bướm trắng… (Trần Nhân Tông).
Nói cách khác Xuân không phải là cái gì tự sinh, mà chẳng qua là sự biểu hiện của thiên nhiên dành cho ta. Nhưng trước cái Xuân tươi đẹp ấy là mùa Đông quạnh hiu, giá buốt và thiếu đi sức sống cho cuộc đời. Nếu không có mùa Đông thì có xuất hiện mùa Xuân hay không? Đến đây ta có thể nhận ra, mùa Xuân là sự tiếp nối của mùa Đông. Chính chất liệu mùa Đông làm nên biểu hiện của mùa Xuân. Mùa Đông chẳng thể trường tồn và mùa Xuân cũng thế.
Nhưng cho dù mùa Xuân đã qua, mùa nào tới đi nữa thì chính chất liệu mùa Xuân đã làm nên những mùa ấy. Bốn mùa tuần hoàn, ta có thể cảm nhận hương vị của cả bốn mùa trong bất cứ mùa nào. Bởi mùa này là sự tiếp nối của mùa trước, nếu đi một vòng tròn thì có phải chăng là mùa Xuân vẫn còn mãi mãi? Sự tồn tại của cái Xuân không phải là hình ảnh hoa mai hay đôi bướm mà có thể là cái nắng gắt trong mùa Hạ, cái lá vàng của mùa Thu hoặc hơi gió lạnh mùa Đông. Bởi chính mùa Xuân qua đi mới tạo nên hình ảnh ấy, nói cách khác trong những mùa còn lại đều có sự có mặt của Xuân.
Cành mai của Mãn Giác đã dạy cho ta bài học ấy. Bài học về sự vô sinh vô diệt. Hoa rụng là một cảnh tượng buồn nhưng trước đó nó có thể là một nhánh mai vàng hoe khoe sắc trên cây. Hoa rơi về cội, khi phân hủy lại trở thành dưỡng chất nuôi cây. Dưỡng chất ấy góp phần làm nên những cành hoa mới. Như vậy ta có thể thấy được tính tương tức của cành hoa, hoa đang rụng là hoa đang nở, hoa đang nở chính là hoa đang tàn. Liên tục liên tục, không ngừng nghỉ, thì cành mai ấy tồn tại mãi với thiên nhiên cây cỏ, bất chấp sự vô thường của tạo hóa.
Do cảm nhận tính vô sinh vô diệt của cành mai, ngài Mãn Giác đã gợi lên mọi ý niệm sinh tử thông thường. Cái chết đến với cuộc đời ngài là điều không tránh khỏi. Nhưng ngài chết đi vẫn còn đệ tử ngài, vẫn còn những di sản cho hậu thế, vẫn còn những đóng góp cho cuộc đời, cho đạo pháp. Ngài vẫn tồn tại nhưng với hình thức khác. Linh hồn của ngài mãi song hành theo từng bước chân của dân tộc. Ngài đã nhập cùng một thể tánh với chân thường của vạn pháp.
Ánh sáng của tuệ giác vẫn rạng ngời đối với những ai còn kính tin Phập pháp, còn tu trì theo lời dạy của đức Thế Tôn. Vẫn biết ngày mai đây, ngọn đèn của chánh pháp sẽ bị vụt tắt bất cứ lúc nào trước cơn giông bão của thời mạt pháp theo sự biến đổi của lẽ vô thường. Với tất cả tâm thành, những người con Phật sẽ tiếp tục thắp lên ngọn lửa của đạo giải thoát. Mỗi người chúng ta hãy là sứ giả của Như Lai để cùng nhau gầy dựng tương lai Phật giáo mãi trường tồn, mãi là mùa Xuân bất diệt giữa cõi Ta-bà ngũ trược.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)
Viết phản hồi