Ăn uống khoa học trong ngày Tết

Bác sĩ Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng cho biết, Tết là dịp mọi người vui chơi, gặp gỡ nhưng kèm theo đó là những tiệc liên miên. Chúng có thể khiến bạn thấy mệt mỏi, tăng cân, thậm chí thêm bệnh…

Dưới đây, bác sĩ Hải đưa ra một số lời khuyên về chế độ ăn uống phù hợp cho từng nhóm:

1. Trẻ

Chế độ ăn uống hàng ngày đối với trẻ là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, thể chất của trẻ. Đặc biệt, trong những ngày Tết, việc này lại càng quan trọng hơn vì việc ăn uống của trẻ sẽ bị xáo trộn nhiều.

Một số trẻ biếng ăn, lười ăn do ăn uống không điều độ sẽ bị sút cân, suy dinh dưỡng sau Tết, thậm chí bị rối loạn tiêu hóa do ăn quá nhiều hoặc ăn phải thực phẩm ôi thiu để lâu ngày. Ngược lại, có trẻ lại tăng cân quá mức dẫn đến thừa cân, béo phì. Những trẻ này thường ăn quá nhiều bánh kẹo, đồ ngọt và các món ăn giàu béo, đạm. Cũng vì thế, thường sau Tết, số trẻ đến khám do biếng ăn hoặc thừa cân tăng hơn.

Bữa ăn ngày Tết thường quá nhiều chất dinh dưỡng.

Để tránh tình trạng trên, cha mẹ cần chú ý:

- Với trẻ còn đang ăn bột, cháo thì cố gắng tuân thủ đúng các bữa ăn như ngày thường. Không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, mứt, uống nước ngọt trước các bữa ăn. Vì như thế, sẽ làm trẻ thấy ngang dạ, không ăn được các thức ăn trong bữa chính, dẫn đến biếng ăn và suy dinh dưỡng.

- Đối với trẻ có nguy cơ bị tăng cân-béo phì thì cần đặc biệt chú ý hơn. Dù là ngày Tết cũng nên hạn chế mua bánh mứt kẹo về nhà. Đồng thời nên cho trẻ ăn nhiều rau dưới dạng luộc vì ngày Tết đã quá nhiều thức ăn giàu chất béo và chất đạm.

2. Người lớn

Để tránh tăng cân trong dịp này, chị em cần thực hiện khẩu hiệu “thà lãng phí còn hơn béo phì “. Nói như vậy có nghĩa là không nên ăn cố, khi đã đủ no. Nhưng cũng để tránh lãng phí thì chỉ nên mua thực phẩm ở mức vừa phải, khi nấu ăn nên nấu ít món, số lượng vừa phải, chọn các món ăn ít béo.

Ngoài ra, không nên ăn các loại thực phẩm giàu năng lượng như: giò thủ, giò mỡ, thịt đông mà thay bằng giò lụa hoặc chả quế. Tăng cường các món ăn từ cá: cá hấp, cá om canh dưa, thay tôm rán bọc bột bằng tôm luộc hoặc hấp.

Hạn chế ăn bánh chưng, nhất là bánh chưng rán. Nếu ăn thì nên ăn bánh chưng luộc hoặc hấp lại cho nóng. Khi đã ăn bánh chưng thì không nên ăn thêm cơm hoặc các loại thức ăn tinh bột khác. Không nên ăn cơm rang, hạn chế ăn nem rán mà thay bằng nem cuốn hoặc phở cuốn không dùng đến dầu mỡ. Ăn nhiều rau xanh dưới dạng luộc như: su hào, bắp cải, bí xanh, susu…

3. Người mắc bệnh mạn tính

Những người mắc bệnh liên quan đến dinh dưỡng như: tiểu đường, mỡ máu, gút… càng cần chú ý vấn đề ăn uống trong ngày Tết. Trong đó, vẫn phải tuân thủ chế độ ăn kiêng, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá, không ăn bánh mứt kẹo, hạn chế các món ăn nhiều mỡ béo, không uống cà phê, nước chè đặc.

Ngoài ra, nên uống nước quả tươi ép: nước cam, bưởi không đường, nước rau luộc. Với người thừa cân béo phì, tiểu đường, cao huyết áp nên uống nước ép các loại rau củ như: dưa chuột, củ đậu, cà rốt, cà chua… Đơn giản nhất là uống nước đun sôi để ấm, nước trà xanh.
nguồn: vnexpress

 Tết thường là tiệc tùng liên miên và theo đó là mệt mỏi, tăng cân… vì bụng lúc nào cũng đầy. Vậy nên phải có bí quyết để ngày Tết vui mà khỏe, BS BS Lê Thị Hải, Giám đốc TT Khám-Tư vấn dinh dưỡng, VDD, chia sẻ.

 

Món gì cũng có, thức gì cũng ngon…

Theo đúng văn hóa Việt Nam, chúng ta vẫn nói “Ăn Tết” chứ ít người nói “Nghỉ Tết”, “Chơi Tết”… nên ngày Tết, vấn đề ăn uống rất được quan tâm, món gì cũng phải có, đầy ắp các món ăn giàu đạm, béo… đến các loại rượu, bia, nước ngọt. Những bữa tiệc liên miên, nạp quá nhiều loại thực phẩm trong một ngày, từ tinh bột, đạm, dầu mỡ, chất xơ, bánh kẹo, nước giải khát có gas, rượu… khiến bộ tiêu hóa quá tải.
 
“Về lý thuyết, ăn nhiều món trong một bữa ăn, tí cơm, tí thịt, tí cá, tí rau… rất tốt. Tuy nhiên lại có một nguy cơ, đó là ăn nhiều món như thế trong tình huống thức ăn lưu trữ, bảo quản trong cùng tủ lạnh, nấu đi nấu lại nhiều lần… dễ khiến thực phẩm nhiễm khuẩn và lây chéo sang nhau. Khi đó, ăn càng nhiều món càng dễ bị ngộ độc, bởi không bị món này thì lại bị món khác.

Chưa kể đến các loại nước giải khát. Nhà nào cũng có vài thùng các loại nước đóng hộp, đóng chai. Nước hộp đóng chai an toàn về mặt vi khuẩn nhưng không an toàn ở chỗ, uống nhiều thứ quá. Trong khi ở loại nước nào cũng có chất bảo quản, một ngày uống quá nhiều loại nước, đồng nghĩa với “nạp” quá nhiều chất bảo quản cũng khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, nói.

Hơn nữa, ngày Tết thường có thói quen gặp đâu ăn đấy, do vậy chúng ta thường không ăn thành bữa, làm thay đổi nhịp tiêu hóa của ngày thường (3 – 4 bữa/ngày). Ăn theo ngày thường, theo chu kỳ sinh học, cứ đến giờ đó là dạ dày làm việc, đường tiêu hóa làm việc. Trong khi đó, ngày Tết ăn rải rác suốt ngày nên dạ dày lúc nào cũng có thức ăn, bụng lúc nào cũng ngang ngang nên hệ tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng.

Theo BS BS Lê Thị Hải, Giám đốc Trung tâm Khám, Tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, những sai lầm hay gặp nhất trong dịp Tết, đó là:

- ăn uống không theo giờ giấc

- ăn quá nhiều các loại thức ăn nhiều chất đạm chất béo, ăn ít rau xanh

- Các bữa ăn quá gần nhau

- Mua quá nhiều thực phẩm dự trữ, dẫn đến thực phẩm dễ bị hỏng

- Nấu quá nhiều món ăn và thức ăn trong một bữa dẫn đến thức ăn bị ôi thiu ăn vào dễ bị rối loạn tiêu hoá.

- uống quá nhiều rượu bia, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

- Ăn quá nhiều bánh mứt, kẹo, nước ngọt dẫn đến tăng cân hoặc chán ăn, ăn không ngon miệng trong những ngày tết.

 

Hãy nói “không” trước món mới

“Theo cảm nhận của riêng tôi, phụ nữ, trẻ em là nhóm khó tiết chế nhất trước những món ăn mới dù có thể họ vừa kết thúc bữa ăn tại gia đình, đã nạp đủ năng lượng. Đến nhà một người bạn, nào loại kẹo này mới, hay hay, nhà mình chưa có, thử ăn một miếng. Nhà một người bạn khác, sô cô la quá hấp dẫn, nhà mình chưa có, thử một tí… Mỗi lần dù chỉ “thử một tí” nhưng nhiều lần cộng lại, lượng thức ăn nạp vào dạ dày là quá nhiều. Còn nam giới thì hay bị dính vào bia rượu”, TS Dũng hóm hỉnh nói.

Bình thường, chỉ số tiêu hóa hấp thu của mỗi người rất tốt, nhưng những ngày Tết ăn nhiều quá, hấp thu không được tốt, tiêu hóa kém… rất dễ gây ngộ độc. Chưa kể đến ngày Tết chúng ta còn có một số món điểm tâm, đặc biệt lưu ý các loại bánh mứt kẹo. Rất nhiều loại, trong các loại này không thể thiếu phẩm màu. Cho dù các phẩm màu có không độc hại, được quyền lưu hành nhưng một ngày ăn quá nhiều, vừa kẹo, vừa bánh, vừa mứt… mỗi thứ một tí càng dễ bị ngộ độc thức ăn.

Theo BS Hải, để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết, cần tuân thủ những nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý như sau:

- Vẫn giữ số các bữa ăn giống như ngày thường.

- Không nên nấu quá nhiều các món ăn trong một bữa.

- Số lượng các thức ăn trong một bữa cũng nên nấu vừa phải đủ ăn, tránh tình trạng thức ăn dư thừa lưu cữu dẫn đến lãng phí, nếu cố ăn dẫn đến rối loạn tiêu hoá do ăn quá nhiều hoặc thức ăn ôi thiu

- Dù là ngày tết cũng không được quên món rau, mà nên ăn rau luộc vì ngày tết đã quá nhiều thức ăn giàu chất béo và chất đạm.

- Nên hạn chế ăn bánh kẹo, nước ngọt

- Uống rượu bia ở mức vừa phải.
Hãy biết tiết chế trước những món ăn, trước những lời mời để dạ dày của bạn không bị bội thực ngày Tết, kéo theo một loạt nguy cơ về tăng cân, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm…
                                                                                                                                                  Nguồn: dantri

digg delicious stumbleupon technorati Google live facebook Sphinn Mixx newsvine reddit yahoomyweb