SỐNG THIỀN
THIỀN NGÔN
Cuộc sống
Sống trong hiện tại là sống như đang bơi lội trong dòng nước chảy, chứ không phải nhìn nước đứng trong chai …Cuộc sống là một sự trôi chảy cuồn cuộn không bao giờ ngưng . Muốn đáp ứng kịp với những luồn sóng của cuộc đời phải nhìn theo cái động của cuộc đời như mình nhìn theo cái động của các lượn sóng … Mắt phải nhìn theo sự di chuyển mau lẹ của dòng nước không bao giờ trở lại . Bấy giờ ta đâu còn có thì giờ để mà suy tư , giải thích , và cho rằng cái nầy hay, cái kia dở, hoặc chảy như thế nầy mà đừng chảy như thế kia . Không còn người đứng nhìn dòng nước chảy, không có chủ , không có khách : người và dòng nước chảy là một . Không rõ mình trôi theo dòng nước hay dòng nước trôi theo mình .
Cũng như mùa xuân luôn luôn đổi mới . Mỗi lần mỗi khác , lá mới có một màu sắc khác , một sự mềm mại khác , một chuyển động khác . Cũng thế, những gì tôi đã nói , nay được nói lại , không phải là một sự lặp lại cái cũ , mỗi lần nghe , ta thấy cái mới lạ của nó không hoàn toàn giống cái trước .
Krishnamurti
Trịnh Nguyên Phước
Từ lâu tôi vẫn bị ám ảnh bởi vấn đề thời gian.
Nhưng gần đây, khi bắt đầu “trông tuổi già bóng xế”, tôi bỗng cảm thấy vấn đề trở thành gay go và cấp bách. Mình không còn lại bao nhiêu thời gian nữa, tôi tự bảo, cho nên phải cố gắng tận dụng tất cả thời gian còn lại. Để làm gì? Để suy nghĩ về một số vấn đề hệ trọng, bắt đầu bằng vấn đề thời gian.
Bởi vì nếu hiểu được thời gian, thì biết đâu…
Biết đâu đó chẳng phải là một chìa khóa mở rộng ra bao nhiêu cánh cửa, bao nhiêu con đường, bao nhiêu chân trời mới? Và nếu giải đáp được bài toán trong những bài toán, vén được màn bí mật trong những bí mật của cuộc đời, thì biết đâu chẳng có hy vọng tự đưa mình… thoát khỏi thời gian?
Tôi biết đó là một điều không tưởng, một hành trình mạo hiểm mà trên đó đã bao nhiêu người vấp ngã và đắm chìm.
Một người bạn đã nhìn tôi ái ngại: “Mày mà suy nghĩ về thời gian thì có ngày phát điên mất. Tao bắt đầu lo cho mày…”
Tôi cảm ơn anh bạn, nhưng cũng thầm nghĩ: Cần gì phải lo? Cùng lắm thì phát điên, nhưng điên vì một lý do vô cùng chính đáng, một vấn đề đã từng ám ảnh bao nhiêu thế hệ thi sĩ, triết gia và khoa học, một vấn đề mấu chốt nằm giữa lòng cuộc sống. Còn nếu hiểu được rõ hơn thời gian, thì biết đâu mình sẽ làm chủ được phần nào thời gian, hay ít ra làm bạn được với thời gian, trong mình?…
Thời gian là gì ?
Vậy thời gian là gì nhỉ? Làm thế nào hiểu được thời gian? Có thể nào hiểu được thời gian?
Bởi vì còn gì dễ cảm thấy hơn thời gian, nhưng cũng còn gì khó hiểu hơn thời gian!
Thời gian có mặt ở khắp nơi, nhưng cũng không tìm thấy ở nơi nào. Trong mỗi tia nắng, trong mỗi tiếng chim, trong từng ngọn cỏ, đều có thời gian. Trong mọi niềm vui, trong từng nỗi nhớ, trong mỗi ước mơ, đều có thời gian. Thời gian vừa ở bên ngoài, vừa ở trong lòng ý thức.
Có thể nói rằng đâu đâu cũng có mặt thời gian, cũng như đâu đâu cũng có mặt không gian. Nhưng thời gian mới thực là vô cùng bí hiểm. Bởi vì không gian nằm sờ sờ ra đấy, chỉ cần mở mắt ra là nhìn thấy, giơ tay ra là nắm bắt được, tha hồ tác động vào. Nhưng còn thời gian? Tìm thời gian ở đâu, dù đập tan bình cát đo thời gian hay tháo hết những đinh ốc đồng hồ, cũng không thể nào tìm thấy thời gian trong đó. Thời gian bàng bạc khắp nơi, nhưng cũng không trú ngụ nơi nào.
Mỗi giây phút trôi qua là thời gian. Trong khi tôi viết hay đọc những giòng này, thời gian đã đi qua. Có thời gian thì mới có di chuyển, động tác, nhưng ngay cả im lìm, bất động cũng cần có thời gian. Phải có thời gian mới có hiện hữu.
Người ta vẫn quen nhìn thời gian như một định luật đưa tới già nua, tàn tạ, hủy diệt, nhưng không mấy ai nghĩ rằng chính nhờ có thời gian nên mới có tác động, hiện hữu, nẩy sinh. Nếu không có thời gian, thì sẽ không bao giờ có sự sống. Không có sự hình thành của trái đất, hơn mười tỷ năm sau tiếng “Big Bang”, không có sự kết hợp của các phân tử thành các cơ thể đơn bào, rồi đa bào, không có sự xuất hiện của các loài cỏ cây, cầm thú, không có sự tiến hóa liên tục cho tới loài người, với bộ óc tinh vi, sáng tạo. Đó là những thành quả của sự tiến hóa không ngừng của vạn vật, tức là những thành quả của thời gian.
Và chỉ cần có một sự đổi thay vô cùng nhỏ bé trong định luật thời gian, cũng đủ đưa tới muôn ngàn đảo lộn trong cuộc sống hàng ngày: xe cộ đâm nhau, tiếng nói lắp bắp, tim đập loạn xạ, hình ảnh nháo nhào, tư tưởng lộn xộn, v.v…. Không thể nào tưởng tượng nổi không có một định luật bất di bất dịch của thời gian. Phải chăng đặc điểm của thời gian chính là điều đó, vừa biến động, vừa bất biến, biến động trong hiện tượng, nhưng bất biến trong nguyên lai?
Nếu có một đấng Thần linh Tối thượng, thì tôi nghĩ không phải là thần Sấm, thần Chớp, thần Mưa, thần Sinh nở, v.v… mà là thần Thời gian, bởi vì chỉ có thời gian mới bao trùm và chế ngự tất cả. Thay vì chúng ta than vãn, ca cẩm thời gian mỗi ngày đục phá, gậm nhấm cuộc đời, thì có lẽ chúng ta nên ca tụng Thời gian chính là đấng Tạo hóa, là tác giả tối hậu của mọi hiện hữu trong thế giới này. Có thời gian là có tất cả. Nếu có thời gian, tôi có thể làm được mọi thứ, kể cả trở thành bất tử !
Thật ra, thời gian không phải là một, mà là hai: đó vừa là một định luật tự nhiên, khách quan, bao trùm thế giới, vừa là một khái niệm chủ quan của con người đơn độc. Bởi vì chỉ có con người mới có ý thức về thời gian. Con người là sinh vật duy nhất biết rằng mình sẽ chết, và biết rằng thời gian liên tục trôi qua.
Nhưng cái khổ của con người cũng nằm trong ý thức về thời gian đó, hay đúng hơn trong ý thức về khoảng cách giữa hai loại thời gian. Thời gian vật lý thì vô tình, giá lạnh, đi trên một con đường thẳng tắp, đều đặn như một cái máy (tuyệt hảo bởi vì không bao giờ hư!), tạo tác và phá hủy mọi sinh vật, mọi hiện hữu. Trong khi đó thời gian tâm lý lại hữu tình, nóng bỏng, quay theo một hình tròn, lúc nhanh lúc chậm, với bao nhiêu kỷ niệm nhớ thương về dĩ vãng, cũng như bao nhiêu dự trù lo lắng cho tương lai…………..
…………………………………………………………………….
Thời gian theo quan niệm trong đạo Phật
Vô thường, tính chất căn bản của hiện tượng.
Đức Phật Thích Ca là người đầu tiên nhấn mạnh vào vô thường, tức là tính chất không thường còn của sự vật, là sự biến đổi không ngừng của thế giới hiện tượng. Đối với đạo Phật, không có hiện hữu, chỉ có trở thành (bhava). Vô thường(anicca), cùng với vô ngã (anatta), và khổ (dukkha), là ba đặc tính của đời sống (tilakkhana). Ba đặc tính làm cho con người trầm luân trong vòng luân hồi (samsàra), do cái nghiệp (karma) của mình gây nên. Nhưng chính nhờ cái nghiệp đó, cũng là cái Phật tâm (bodhichitta) sẵn có trong mình, mà con người có thể, bằng cách kiên trì tu tập, giữ giới (sỵla), định tâm (samâdhi), để đạt tới trí tuệ siêu việt (prajnâ), và tự giải thoát (moksha) ra khỏi vòng sinh tử, khổ đau.
Vô thường có thể xuất hiện dưới ba hình thức :
- Sát na vô thường, là sự chuyển biến liên tục của sự vật trong từng sát na (theo danh từ Phật, mỗi sát na là một khoảnh khắc rất nhỏ của thời gian). Sự vô thường này rất cần thiết cho sự sống, và có thể nói là gắn liền với sự sống, chính nó là sự sống.
- Nhất kỳ vô thường là sự chuyển biến nhanh chóng của sự vật theo một chu kỳ nào đó, đưa tới một sự thay đổi trạng thái rõ rệt. Chẳng hạn như khi nước sôi biến thành hơi, khi nước lạnh đông thành băng, khi hoa biến thành quả, khi lá vàng rụng, hay khi người bệnh nặng qua đời.
- Tai nạn là những điều xảy ra một cách đột ngột, không hề báo trước, biến đổi cuộc đời, theo chiều hướng xấu nhiều hơn là tốt.
* Thái độ của người Phật tử trước vô thường.
Thay vì lấy một thái độ thụ động trước vô thường, đạo Phật chủ trương lấy một thái độ sáng suốt và tích cực. Đầu tiên, con người phải ý thức rằng vô thường (sát na vô thường) là điều cần thiết cho sự sống, cho sự hiện hữu, và chính nhờ vô thường mới có sự chuyển đổi theo chiều hướng tốt, mới có hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn, cho những người đang khổ đau. Sau đó phải quán chiếu sự vô thường trong mọi sự vật, để không còn lo ngại, sợ hãi những biến chuyển do nhất kỳ vô thường một ngày kia có thể xảy đến, chẳng hạn như khi mất một người thân trong gia đình, khi lâm bệnh nặng, khi mất tài của, hay khi bị tai nạn. Tất cả những điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và người Phật tử phải cố gắng tu tập để xem vô thường là một chuyện tất nhiên và thường tình.
Cũng vì hiểu rõ rằng mọi sự vật đổi thay trong từng giây phút, cho nên người Phật tử biết quí trọng và sống trọn vẹn mỗi giây phút hiện tại, mỗi vẻ đẹp của cuộc đời, mỗi tình cảm của những người thân thương, để không bao giờ lo sợ và tiếc nuối. Và cũng nhờ ý thức rằng tất cả là vô ngã, là điều gắn liền với vô thường, cho nên người Phật tử không màng tới sự chấp chặt, trì kéo lại cho mình những của cải, những giây phút vui tươi, cũng như mọi ảo tưởng trong cuộc đời.
* Những quan điểm khác biệt về thời gian trong các tông phái Phật giáo.
Trong lịch sử tư tưởng đạo Phật, quan niệm về thời gian không phải là luôn luôn đồng nhất, không có tranh luận. Hơn hai trăm năm sau khi đức Phật Thích Ca viên tịch, đoàn thể tăng già chia rẽ ra làm nhiều tông phái, trong đó có phái Sarvâstivâda ( Nhất Thế Hữu ) và phái Sautrântika ( Kinh Lượng ),
chống đối nhau trên nhiều điểm, đặc biệt về thời gian :
- Theo phái Sarvâstivâda (sarva=tất cả, asti=hiện hữu), tất cả đều có mặt : quá khứ, hiện tại cũng như tương lai. Mọi pháp(dharma) hữu vi đều không sinh, không diệt, chúng có mặt từ vô thủy, và chỉ chuyển đổi từ một trạng thái tàng ẩn tới một trạng thái rõ rệt. Chẳng hạn như một người đàn bà đồng thời là một đứa bé gái và là một bà mẹ, một cây cam vừa là một hạt cam và một trái cam. Nước vừa là băng tuyết vừa là hơi nước, tùy theo nhiệt độ, nhưng trong bản thể vẫn là nước.
- Phái Sautrântika (sùtra=kinh điển) lại cho rằng chỉ có hiện tại mới thực sự có mặt, và thời gian chỉ là một ảo tưởng gây nên bởi những ý niệm liên tục kế tiếp nhau. Căn bản của cuộc sống con người ngụ tại một tâm thức sâu xa, được trường tồn, lưu chuyển từ kiếp này sang kiếp khác.
Những phái này sẽ có ảnh hưởng trên sự xuất hiện của hai tông phái quan trọng của Đại thừa, là phái Trung quán (Mâdhyamika) và phái Duy thức (Vijnnânavâda hay Yogâchâra).
- Phái Trung quán, dưới sự hướng dẫn của ngài Long Thọ (Nâgârjuna), quan niệm rằng tất cả trong thực chất đều là Không (shunyâta). Nhưng Không không có nghĩa là trống không, là hư vô, là không có gì, Không có nghĩa là Sự Thực tuyệt đối (paramârtha-satya), là Chân Như, là Bản Thể của sự vật
(tathata). Do đó, thời gian không phải là một vấn đề, bởi vì chỉ có mặt trong thế giới hiện tượng, tức là cái Sắc, cái Tướng, chứ không có trong cái Không, nếu đi sâu vào bản thể.
- Phái Duy thức, dưới sự hướng dẫn của ngài Vô Trước (Asanga) và ngài Thế Thân (Vasubandhu), quan niệm rằng mọi hiện tượng là sản phẩm của ý thức, rằng tất cả là ý thức. Ngoài 6 thức thông thường ra, còn một ý thức sâu thẳm gọi là A-lại-da thức (alaya-vijnnâna), là nơi chứa đựng tất cả những nhân của nghiệp trước, và nguồn gốc của mọi hành động. Trong chiều sâu của A-lại-da, cũng có những cái nhân tinh khiết, có thể được xem như chân như, như bản thể của vũ trụ. Như vậy, theo Duy thức học, thời gian cũng thuộc vào hiện tượng, ý thức, và tự nó cũng không có thực thể.
* Vũ trụ quan trong đạo Phật.
Thời gian trong đạo Phật được đo bằng sát na tức là một khoảng thời gian rất ngắn (một phần nhỏ của giây), cho tới kalpa tức là một khoảng thời gian rất dài (hàng triệu năm).
Đạo Phật quan niệm rằng vũ trụ không có giới hạn, trong không gian (có tới “tam thiên vạn thiên thế giới”) cũng như trong thời gian (tất cả đều “vô thủy vô chung”). Thế giới không có điểm khởi đầu, mà cũng không có điểm kết thúc, cũng như quan niệm chung “không sinh, không diệt” của Bát Nhã Ba La Mật Đa (Prajnâparamitâ). Nếu dùng danh từ khoa học ngày nay, thì chúng ta sẽ nói rằng đạo Phật quan niệm không có “Big bang” mà cũng không có “Big crunch”. Hình ảnh phù hợp nhất với đạo Phật có lẽ là vũ trụ co giãn, đi từ tăng tới giảm, rồi từ giảm tới tăng, tụ rồi tán, tán rồi tụ không bao giờ bắt đầu và không bao giờ
hết. Thật ra điều này cũng không đi ngược lại với vật lý hiện đại, bởi vì nếu đa số các nhà khoa học chấp nhận quan niệm “Big bang” như một biến cố hình thành vũ trụ từ 20 tỷ năm trước chỉ là giai đoạn, thì họ cũng quan niệm không có giây phút “ban đầu”, bởi vì 20 tỷ năm, cũng như 300000 km/giây cho tốc độ ánh
sáng và -273°C cho nhiệt độ của một vật thể, chỉ là một điểm số giới hạn không thể nào vượt qua được so với không gian và thời gian luôn biến dịch.
Thời gian trong cuộc sống hằng ngày
Thời gian qua nhanh thật !
Còn nhận định nào thông thường hơn là những câu :
“- Chóng thật ! Mới dạo nào…
– Nhìn con cháu mình lớn lên, mới thấy thời gian qua quá nhanh…
– Mới ngoảnh đi ngoảnh lại, đã thấy mình già nua đi nhiều…
Những câu chuyện về thời gian, cũng như về thời tiết (tiếng Pháp gọi cả hai là “le temps”), là những câu chuyện thường tình người ta vẫn nói với nhau hàng ngày, trong nhà cũng như ngoài chợ. Nhưng khi nói về thời tiết, nắng mưa, người ta thường nói chuyện bâng quơ, tầm phào, trong khi nói về thời gian, người ta bỗng thấy dâng lên một nỗi buồn man mác, kèm theo tiếng thở dài .
Quả thật, thời gian băng qua nhanh như mũi tên, và con người chỉ có thể nhìn theo bất lực !
Có lẽ chỉ có những nhà khoa học lẩm cẩm mới đặt ra vấn đề có “mũi tên thời gian” hay không, thời gian đi một chiều hay hai chiều. Đối với người thường, chỉ cần mở mắt ra đã thấy rõ rằng thời gian không bao giờ đi ngược trở lại. Cũng như hạt cát lùa qua kẽ tay không làm sao ngăn bắt được, như đóa hoa tàn úa không bao giờ tươi lại được, như mái tóc đốm bạc không bao giờ đen lại được. Người ta không bao giờ đi ngược lại được thời gian, dù rằng có thể gây nên những ảo tưởng đó, bằng cách chiếu ngược lại những phim ảnh, với những tài tử đi giật lùi trông đến buồn cười ! Cuộc đời như một cuốn phim đặc biệt chỉ chiếu có một lần, hay như một cuốn sách đặc biệt mỗi trang chỉ lật qua một lần. Đó là cái giá (quá đắt chăng?) phải trả cho sự hiện hữu…
* Ảo tưởng níu kéo lại thời gian.
Nhưng ít người dám thẳng nhìn sự thật như vậy. Người ta tìm đủ mọi cách để nuôi dưỡng ảo tưởng níu kéo lại được thời gian.
Biết bao người đã rời bỏ cuộc sống tầm thường, để đi tìm một con đường đưa tới Vĩnh cửu, tới Tuyệt đối. Faust đã không ngần ngại bán linh hồn mình, là cái gì quí giá nhất, cho Quỷ, để mong trở thành bất tử. Từ trái đào tiên trong vườn Thánh mẫu cho tới viên hoàn đơn của Thái thượng Lão quân, từ con nhân sâm cho tới bình Thánh Graal, đã có bao nhiêu huyền thoại về những phương pháp màu nhiệm để con người cải lão hoàn đồng. Đã có bao nhiêu vị hoàng đế, bao nhiêu nhà lãnh tụ ra đi để lại một chiếc xác ướp, với ảo vọng được tiếp tục sống vĩnh viễn bên thế giới bên kia ! Và cũng đã có bao nhiêu chuyện tưởng tượng như của H.G. Wells với “cái máy đi ngược lại thời gian”, chỉ cần ngồi vào trong đó, bấm một vài nút là đã thấy mình quay trở lại vài thế kỷ về trước.
Hỡi ôi, tất cả chỉ là ảo tưởng, hoang đường ! Ngoài khoa học ra, với những tiến bộ gần đây của y học đã tương đối kéo dài cuộc sống của con người, không có gì ảnh hưởng được vào thời gian. Tất cả những liều thuốc “mang lại trẻ trung”, như nhân sâm, sừng tê giác, hải mã, cao hổ, mật gấu, mật rắn, sinh tố, mélatonine, v.v. đều là những món hàng tung ra bởi những kẻ lợi dụng những ảo tưởng của con người. Và mới đây, các nhà sinh học vừa mới thành công trong việc cấy dòng vô tính (clonage) trên các con vật, khơi dậy lên bao nhiêu ảo mộng bất tử của con người. Rốt cục tất cả chỉ là “hão huyền trong những hão huyền” (vanitas vanitatum), cũng như lời Ecclésiaste…
* Thời gian ngắn, dài.
Người ta thường chú trọng tới thời gian khi đã bắt đầu “có tuổi”, tức là khi bắt đầu đếm ngược thời gian còn lại. Hồi bé, người ta thường ao ước thời gian qua mau để chóng thành “người lớn”, nhưng về già người ta chỉ cầu mong thời gian đi chậm hơn một chút. Một năm đối với người trẻ không là bao nhiêu, nhưng đối với người già là một khoảng thời gian vô cùng quí báu.
Trong cuộc sống hàng ngày, thời gian còn có một khả năng co giãn lạ lùng. Đối với mỗi người, thời gian không đi qua đều đặn như chiếc kim đồng hồ, trái lại lúc thì lướt nhanh vùn vụt, lúc thì chậm chạp đến phát điên. Trong khi chờ đợi, trong lúc chán chường, chúng ta thấy sao thời gian đi quá chậm ! Trong lúc vui tươi, trong khi hồ hởi, chúng ta tiếc thời gian qua quá nhanh ! Và trí nhớ của con người để làm chi, nếu không phải là để kéo dài thời gian trong khi tưởng nhớ ? Khả năng quên đi của con người để làm chi, nếu không phải là để xóa bỏ một phần nào thời gian ?
Tôi thường so sánh tốc độ của đời người với tốc độ của một vật rơi vào khoảng trống, tức là mỗi ngày một nhanh. Càng về sau, chúng ta càng cảm thấy cuộc đời trôi qua nhanh. Cũng như trong một chuyến du lịch, những ngày đầu qua chậm, nhưng những ngày cuối lướt qua nhanh vô cùng. Bởi vì tất cả đều mới lạ lúc ban đầu, trong khi đó, vào cuối chuyến du lịch cũng như cuối cuộc đời, tất cả dường như đã quá quen thuộc, và chúng ta chỉ còn nhai đi nhai lại một số kỷ niệm xa xưa.
Thời gian trong khi đang học hỏi bao giờ cũng dài hơn thời gian khi đã quen biết rõ. Sự học hỏi, cũng như sự sáng tạo, làm cho thời gian đầy đặn hơn, phong phú hơn. Nói như Malraux, tác phẩm nghệ thuật có tính chất “vượt qua thời gian” (intemporalité), bởi vì giá trị của nó vượt qua các thời đại, nó không bị lệ thuộc vào lịch sử, nó đã trở thành gia tài của nhân loại. Do đó, “nghệ thuật là một sự chống đối định mệnh” (l’art est un anti-destin), và trong một chừng mực nào đó, một sự chống thời gian.
Chạy đua với thời gian ! Nghịch lý với thời gian .
Vào thế kỷ trước tại các nước Tây phương, người ta còn có thời giờ lâu lâu dừng chân lại, rút trong túi ra chiếc đồng hồ quả lắc, chậm rãi nhìn giờ, rồi bỏ lại vào túi, thong dong bước đi. Ngày nay, người ta vội vã đến nỗi chỉ còn kịp liếc mắt vào chiếc đồng hồ trên bảng xe hơi, rồi nhấn ga, vọt lẹ.
Cách đây chưa đầy chục năm, khách du lịch sang thăm nước ViệtNamthường để ý thấy mọi người ung dung đạp xe đạp, chậm rãi dạo chơi trong đường phố, hay suốt ngày ngồi chơi sơi nước trong các cơ quan. Ngày nay, với “kinh tế thị trường” và cuộc sống “đổi mới”, mọi người đã bắt đầu vội vã, tăng tả, vọt lẹ trên những chiếc Honda, bất kể những người qua đường. Ngày xưa, người ta còn nghèo nhưng thừa thời giờ, ngày nay đã có tiền nhưng lại ít thời gian. Ai bảo “thời giờ là vàng bạc” ? Liệu có đổi chác được thời giờ thành tiền bạc, hay dùng tiền bạc mua lại được thời gian?
Người ta thường chạy theo thời gian, vừa muốn níu kéo lại, vừa muốn vượt nhanh hơn, thật mới buồn cười làm sao. Chỉ chờ đợi vài phút trước đèn đỏ, đã lên tiếng càu nhàu, và đèn vừa xanh thì đã vụt lên, phóng nhanh chạy ẩu. Nhanh để làm gì ? Để được thêm thời gian ư ? Làm gì có thời gian mà thêm… Chờ đợi lâu mất thời giờ ư ? Làm gì có thời giờ mà mất…
Trong cuộc chạy đua với thời gian, con người chắc chắn chỉ có thể thua chứ không bao giờ thắng. Thời gian luôn luôn đuổi kịp mình, cũng như bóng với hình, không làm sao chạy thoát, và mọi sinh vật bị thời gian bủa vây như một cái lưới, dù vùng vẫy tới đâu cũng vô ích. Trong thần thoại Hy lạp, thời gian được biểu tượng bằng người khổng lồ Cronos, không ngừng ăn thịt những đứa con mình do người vợ Rhéa, Trái đất, sinh ra. Dưới nhật bàn, người ta thường thấy viết câu : “Những mũi đầu gây tổn thương, mũi cuối cùng kết liễu”, để so sánh thời gian với những mũi tên không ngừng bắn vào mạng sống con người.
Điều nghịch lý với thời gian, là càng nắm chặt thời gian thì lại càng bị thời gian vuột mất, càng buông thả thì lại càng kéo lại được thời gian. Càng vội vàng hấp tấp thì lại càng bị thời gian đuổi riết, càng thư thả khoan thai, không màng tới thời gian, thì lại càng được thời gian quên đi, lại càng thừa thãi thời gian.
Và không có gì làm con người lệ thuộc thời gian hơn là chờ đợi. Người ta không khỏi nôn nóng, sốt ruột trong khi chờ đợi, nhất là khi chời đợi người yêu ! Ngược lại, khi chú tâm vào một việc gì, dù vô ích (như chơi ô chữ, chơi cờ phá trận), người ta thường quên đi thời gian, nên gọi là “giết” thời gian (nhưng ai giết ai ?). Nói tóm lại, chạy theo thời gian thì lại bị thời gian đuổi, quên đi thời gian thì lại được thời gian quên…
Cố tổng thống Pháp Mitterrand đã có một câu nổi tiếng : “Il faut laisser le temps au temps” (Phải để thời gian cho thời gian). Hồi bị bắt giam bên Đức, ông đã phải vượt tù ba lần mới thành công, rồi đến khi ứng cử tổng thống, cũng phải đợi lần thứ ba ông mới đắc cử, và sau đó cầm đầu nước Pháp trong 14 năm trời ! Biết kiên nhẫn chờ đợi tức là tự cho mình thời gian, là điều kiện của thành công. Và biết chờ đợi mới là chiến thắng thực sự, trên thời gian và trên chính mình…
Thời gian có thể nào ngừng lại
Thời gian không thể nào ngừng lại được, vì một lý do giản dị là thời gian không bao giờ đi, không bao giờ chảy. Miêu tả thời gian bằng hình ảnh con người ngồi trong xe lửa nhìn phong cảnh lướt qua, hay đứng bên bờ sông nhìn giòng nước trôi qua đều là sai lầm. Con người thuộc vào phong cảnh, thuộc vào giòng sông, và đối với thời gian con người vừa là chủ thể, vừa là khách thể.
Trong một cuốn sách mới ra, tựa đề “Ngày mà thời gian ngừng lại”, giáo sư Jean Bernard đưa ra một giả thuyết hoàn toàn tưởng tượng : vào một giờ phút nào đó, thời gian bỗng nhiên ngừng lại, gây nên muôn vàn xáo trộn trong xã hội, và đặt ra những câu hỏi triết học và khoa học vô cùng nan giải. Nhưng thật ra, nghĩ cho cùng, đó chỉ có thể là kim đồng hồ ngừng lại, hoặc là thời gian ngừng lại cho một số sinh hoạt thôi, chứ không thể nào tất cả thời gian trong vũ trụ ngừng lại được. Bởi vì nếu thời gian ngừng lại sẽ không còn gì hết, sẽ là tận thế. Hơn nữa, sẽ không còn ai để mà nhận định được đó là tận thế !
Làm gì với thời gian ? Làm thế nào quản lý được thời gian ?
Nhà văn Saint-Exupéry kể lại một hôm ông đáp máy bay xuống sa mạc, và trước khuôn mặt ngơ ngác của một người Maure bản xứ, ông giải thích : “Ông biết không, với chiếc máy bay này, tôi chỉ mất hai tiếng đồng hồ trong khi các ông với đoàn lạc đà phải đi suốt hai tháng”.
“- Nhưng như vậy, người Maure trả lời, ông làm gì với thời gian còn lại ?”
Vấn đề có lẽ là như vậy : làm gì với thời gian còn lại ? Hay nói một cách thời thượng, làm thế nào quản lý được thời gian ?
Phần lớn những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm mang lại cho con người ngày hôm nay nhiều thời gian hơn. Người ta đi lại nhanh hơn, thông tin nhanh hơn, làm việc nhanh hơn, ăn uống nhanh hơn, nội trợ nhanh hơn. Nhờ những tiện nghi cơ giới và điện tử mỗi ngày một thêm hữu hiệu, những công tác hàng ngày trở nên mỗi ngày một thêm nhẹ nhàng, nhanh chóng. Từ tuần làm việc hơn 40 giờ vào đầu thế kỷ, nay sắp giảm đi còn 35 giờ, và sẽ có triển vọng xuống dưới 30 giờ trong thế kỷ sắp tới. Người ta sẽ có nhiều thời giờ hơn để thể thao, để học hỏi, để giải trí, để dậy dỗ con cái.
Đó là trên lý thuyết, nhưng trên thực tế, tại sao con người mỗi ngày một sống vội vàng hơn, phù phiếm hơn, tại sao tinh thần càng ngày càng căng thẳng hơn, giáo dục gia đình càng lỏng lẻo hơn ? Tại sao càng thừa thời gian, người ta lại càng cảm thấy thiếu, cũng như càng kiếm nhiều tiền, người ta lại càng cảm thấy thiếu tiền ?
Hiện nay tất cả thế giới đang hướng về xã hội công nghiệp và kinh tế tư bản (hay “kinh tế thị trường”), với hiệu quả kinh tế tối đa làm chủ đích. Đa số mọi hoạt động trong xã hội đều nhắm vào tăng gia sản xuất, mỗi ngày một nhiều hơn và nhanh chóng hơn. Vì “thời giờ là tiền bạc”, cho nên người ta không có quyền mất những giây phút quí báu. “Fast foot, Quick service, Speedy, Express…” đã trở thành những nhãn hiệu thời thượng. Và đương nhiên, stress trở thành căn bệnh của thời đại, với trăm ngàn chứng bệnh, như nhức đầu, đau lưng, táo bón, mất ngủ… Đó là chưa kể tới những tai nạn xe hơi, những trường hợp tự tử, đặc biệt trong giới trẻ, những trạng thái suy sút tinh thần, những đổ vỡ gia đình, nạn ma túy… tất cả những vấn đề ít nhiều liên quan tới stress, do áp lực gây nên bởi thời gian.
Nhưng may thay, đã bắt đầu có những phản ứng xuất hiện, chống lại sự “chuyên chế” của thời gian. Thay vì hối nhau : “Magne-toi !” (Lẹ lên), người ta đã bắt đầu khuyên nhủ lẫn nhau : “Relax and enjoy !” (hãy buông xả và hưởng đời), “Cool !” (bình tĩnh), “Don’t worry, be happy !” (đừng lo nghĩ, hãy sung sướng), “Soyez Zen !” (hãy Thiền). Người ta đã bắt đầu chấp nhận làm việc ít hơn, với tiền lương ít hơn, hay nghỉ hưu sớm hơn, với viễn tượng hưởng được nhiều hơn thời gian còn lại.
Nghĩ cho cùng, không bị áp lực của thời gian, tức là sự thảnh thơi thần trí, rốt cục quí hơn vàng bạc. Nhiều người đã chối bỏ cuộc sống xô bồ của thành thị để trở về sống giữa thôn quê, theo nhịp sống của thiên nhiên. Người thì quay về với những phương pháp cổ truyền như Dưỡng Sinh, Thiền hay Thái Cực Quyền, ngưới thì dùng thể thao, âm nhạc, nghệ thuật để tìm lại sự thăng bằng thần trí. Không ai bảo ai, con người của cuối thế kỷ 20 đang tìm một lối thoát ra khỏi áp lực của thời gian, bằng cách dùng thời gian một cách khôn khéo hơn, cho một hạnh phúc bền bỉ hơn.
Kết luận :
Thời gian quả thật là một đề tài vô tận. Tôi ý thức được điều đó trong khi đi sâu vào trận địa…, hay rừng rậm…, hay sa mạc… của thời gian.
Có lẽ cống hiến cả cuộc đời cho đề tài này cũng không hết, huống chi chỉ quan tâm đến nó trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Nhưng, như một bức tranh cũng có ngày phải vẽ xong vì màu đã khô, một bức tượng phải nặn xong vì đất đã nứt, một bài thi phải trả vì chuông đã reo (cũng lại vấn đề thời gian !), bài phiếm luận này rồi cũng phải chấm dứt.
Vậy làm thế nào kết luận, và liệu có cần kết luận ?
Nếu quả đề tài này thật là vô tận, thì không cần gì đến kết luận. Còn nếu muốn kết luận tạm thời, thì chỉ xin đưa ra một nhận xét : thời gian rất đa dạng và mang đầy nghịch lý.
Thời gian có muôn hình vạn trạng : thời gian của nhà thi sĩ, thời gian của nhà triết học, thời gian của nhà khoa học, thời gian của người Phật tử, thời gian vật lý, thời gian tâm lý, thời gian sâu thẳm, thời gian địa chất, thời gian thẳng dọc, thời gian chu kỳ, thời gian ngày xưa và ngày nay, thời gian đô thị và thôn dã, thời gian cá nhân và tập thể… và còn bao nhiêu thời gian khác nữa. Chúng ta sống nhiều loại thời gian đan díu với nhau, cũng như một sợi giây thừng gồm nhiều sợi giây khác, mỗi sợi giây lại gồm nhiều sợi khác nữa, dài ngắn, to nhỏ, màu sắc khác nhau.
Vậy câu hỏi : “Thời gian là gì ? dù nghĩa của thời gian là gì ?” không thể nào trả lời một cách đơn thuần, giản lược.
Thời gian có thể vừa không là gì (theo đạo Phật, Epicure và Einstein), vừa là tất cả(theo Bergson và các nhà thi sĩ). Thời gian nằm ở trong mỗi vật thể của vũ trụ và trong sự sâu thẳm của tâm hồn. Thời gian có mặt trong mỗi phân tử, mỗi tế bào, mỗi giây thần kinh, mỗi suy tư, mỗi cảm xúc.
Cũng như lời của Marcel Proust : “Một giờ không phải một giờ, đó là một chiếc bình đầy hương vị, âm thanh, dự kiến và hoàn cảnh”. Hay lời của Jorge-Luis Borges : “Thời gian là một ngọn lửa thiêu đốt ta. Nhưng chính ta là ngọn lửa”.
Ngọn lửa thiêu đốt, nhưng cũng vừa chiếu sáng và sưởi ấm cuộc đời. Nếu chúng ta sợ hãi thời gian, thù ghét thời gian, thì cũng phải trân trọng nó, yêu thương nó. Bởi vì nó là sự sống, là tất cả. Tại sao không nhìn nó một cách bình thản, không xúc động, như thể là chính nó, như Chân Như…
“- Này, ông bạn tôi bỗng lên tiếng, suy nghĩ bàn luận lâu dài về thời gian làm gì, chỉ mất thời giờ vô ích. Triết lý mà không đưa tới hành động thì cũng chỉ là “hão huyền trong những hão huyền”, chẳng đáng một đồng xu !”
Tôi giật mình bừng tỉnh : ông bạn tôi có lý !
Điều quan trọng không phải là hiểu được thời gian là gì, mà là làm gì được trên thời gian, hay đúng hơn với thời gian. Nghệ thuật sống có lẽ là nghệ thuật dùng thời gian, làm thế nào điều khiển được thời gian, mà không bị thời gian điều khiển. Và nếu không làm chủ được thời gian (vật lý), thì ít ra cũng không bị nô lệ bởi thời gian (tâm lý), cũng làm bạn được với thời gian trong mình…
Điều quan trọng có lẽ là ý thức được giá trị của thời gian, tận dụng từng giây phút, không lãng phí thời giờ, luôn luôn quí trọng nó, nhưng cũng đồng thời không chấp chặt vào nó.
Làm thế nào cho mỗi giây phút cuộc đời thêm ý nghĩa, cho bản thân cũng như gia đình và xã hội. ý nhĩa của thời gian có lẽ là : làm thế nào cho thời gian thêm ý nghĩa, tuy rằng trong tuyệt đối tự nó không có ý nghĩa. Đối với Albert Camus, chính vì cuộc đời phi lý, cho nên mới phải đem lại cho nó một ý nghĩa.
Xin nhường lại câu cuối cho con chồn nói với “Hoàng tử Bé” của Saint-Exupéry : “Chính thời gian ta chăm sóc hoa hồng làm cho hoa hồng trở thành quan trọng”.
Phản hồi (0)
Trackbacks - Pingbacks (0)
Viết phản hồi